Tọa đàm về Quản lý dự án xây dựng tại Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng ngày 25/2/2023

Sự kiện được đồng tổ chức bởi các đơn vị: Khoa Quản lý dự án, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng; Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN); Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) và Hiệp hội Quản lý dự án Việt Nam – (PMI-Vietnam Chapter).

Tham dự tọa đàm có các Ông Đặng Việt Dũng, Tiến sĩ – Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Ông Nguyễn Nam Trung, Chủ tịch Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam, Ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch Hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự tham dự của đông đảo người làm quản lý dự án tại khu vực và sinh viên Trường Đại học Đà Nẵng.

Mở đầu buổi tọa đàm, với vai trò người đại diện quản lý nhà nước, Ông Bùi Văn Dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng có bài phát biểu nêu các “Quy định pháp luật về vai trò, trách nhiệm và điều kiện năng lực với vị trí Giám đốc Quản lý dự án”. Ông Dưỡng nêu vai trò và nhiệm vụ của Giám đốc dự án, và điều kiện để được bổ nhiệm chức danh Giám đốc QLDA theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, Giám đốc QLDA phải có Chứng chỉ hành nghề QLDA tương ứng với hạng và loại dự án và / hoặc lĩnh vực. Các cá nhân được cấp CCHN QLDA phải có trình độ đào tạo và thời gian kinh nghiệm, cũng như chuyên môn phù hợp lĩnh vực được cấp CCHN, đồng thời phải đạt kết quả sát hạch.

Ông Bùi Văn Dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng

Tiếp nối, Ông Võ Thanh Hải, đại diện PMI-VN Chapter, chia sẻ thông tin về Viện QLDA Hoa Kỳ (Project Management Institute – PMI) và hệ thống chứng chỉ QLDA do PMI cấp, Trong đó, Project Management Professional (PMP)® là chứng chỉ nổi bật, được PMI đưa ra từ năm 1984. Đây là chứng chỉ quốc tế công nhận một người có tri thức và kỹ năng để dẫn dắt, quản lý nhóm nhằm thực hiện dự án, chuyển giao kết quả đáp ứng theo yêu cầu ràng buộc của dự án. Tiêu chuẩn PMP yêu cầu người QLDA (Project Manager – PM) phải đạt trình độ chuyên gia (expert) trong hầu hết các lĩnh vực (knowledge area) liên quan và có khả năng quản lý những dự án lớn.

Trọng tâm bài nói của Ông Hải là về Khung phát triển năng lực người Quản lý dự án (Project Management Competence Framework – PMCDF, được PMI đưa ra từ năm 2002, hiện đã có bản Third Edition năm 2017). Đây là một khuôn khổ rất cần thiết để định nghĩa, đánh giá và phát triển năng lực của người quản lý dự án, dành cho tất cả các bên tham gia vào quá trình quản lý dự án.

Theo PMCDF, người làm QLDA cần có 3 năng lực cơ bản: năng lực kiến thức, năng lực thực hiện, năng lực cá nhân (giao tiếp, lãnh đạo, quản lý, khả năng nhận thức, hiệu quả, tính chuyên nghiệp), cùng 2 năng lực bổ sung là năng lực chuyên môn ngành và năng lực tổ chức. Khung PMCD có thể được sử dụng để xác định năng lực hiện có của các nhà quản lý, các điểm mạnh và nhu cầu phát triển của họ trong khung năng lực. Năng lực của người QLDA được nâng cao sẽ giúp các tổ chức có xác suất thực hiện công tác quản lý dự án / chương trình / danh mục đầu tư thành công hơn.

Ông Võ Thanh Hải, đại diện PMI-VN Chapter – Giám đốc phụ trách đối ngoại

Về công tác QLDA nhìn từ góc độ của nhà thầu xây dựng, Ông Phạm Cảnh Đông, Tổng Giám đốc Nova E&C, chia sẻ bài nói “Những kỹ năng cần thiết với vai trò quản lý dự án xây dựng”. Nội dung bài nói bao gồm: phạm vi QLDA theo góc độ của nhà thầu; các kỹ năng, tố chất của người QLDA xây dựng, và QLDA trong thời đại 4.0. Đây là những kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn trong quá trình thực hiện các dự án thi công xây dựng tại Việt Nam.

Ông Đông dùng hình tượng tảng băng trôi để nói về “phần nổi” (tượng trưng cho các việc phải quản lý: phạm vi, chất lượng, tiến độ, v.v…) và “phần chìm dưới nước” (tượng trưng cho sự thay đổi, mua hàng – giao thầu, đối nội – đối ngoại, văn hóa / truyền thông, đào tạo / phát triển nhân sự).

Theo Ông Đông, tiêu chí đánh giá người QLDA xây dựng có năng lực phù hợp (góc độ nhà thầu) bao gồm tính cách (personality), năng lực (capability) và kinh nghiệm thực chiến (proven experience).

Một ví dụ về năng lực phù hợp: người QLDA có kinh nghiệm thi công nhà cao tầng vẫn có thể điều hành không thành công một dự án nhiều biệt thự thấp tầng (cần huy động nguồn lực rất lớn về nhân công, vật tư trong cùng một thời điểm và trên diện rộng). Hoặc dự án cần tiến độ gấp cần người QLDA có tính cách quyết liệt, dự án cao cấp đòi hỏi hoàn thiện thẩm mỹ cao cần người QLDA có tính cách cẩn thận chỉn chu.

Người QLDA cần phải có kỹ năng cứng (kỹ năng chuyên môn) và kỹ năng mềm. Trong số các kỹ năng cứng, kỹ năng quản lý phạm vi công việc theo hợp đồng là rất quan trọng. Các tranh chấp xảy ra thường do người QLDA chưa quan tâm đúng mức đến việc theo dõi, thực hiện đúng toàn bộ nôi dung hợp đồng, đặc biệt đối với các hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Các nhóm kỹ năng mềm theo Ông Đông gồm: gây ảnh hưởng, giao tiếp, làm việc nhóm (teamwork), quản lý cảm xúc, thích ứng hoàn cảnh, nhận thức; người QLDA có thể không đạt được toàn bộ các kỹ năng, nhưng cần phải có các kỹ năng chính. Kỹ năng quản lý và giải quyết xung đột rất quan trọng, vd: xung đột đặc biệt thường xảy ra giữa nhà thầu xây dựng và nhà thầu cơ điện. Ngoài ra, kỹ năng thích ứng hoàn cảnh giúp người QLDA giải quyết được các vấn đề phát sinh (khác biệt văn hóa, các sự cố không lường trước, v.v…). Các tố chất cần thiết của người QLDA: tiên phong, quyết liệt, tự tin, cẩn thận / chỉn chu, “đại ca”, tư duy mở, gương mẫu và linh hoạt.

Ông Phạm Cảnh Đông, Tổng Giám đốc Công ty NOVA E&C

Với xu thế của thời đại 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Inteligent) đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, và xây dựng cũng không nằm ngoài xu thế đó. PGS.TS.Phạm Anh Đức giới thiệu về việc “Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong Quản lý dự án xây dựng xu hướng & tiềm năng”.

Theo PGS.TS Phạm Anh Đức, đây là đề tài không mới trên thế giới. Thực ra việc ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo AI đã có từ rất lâu, trong những vật dụng hàng ngày quanh ta. Trí tuệ nhân tạo thường được hiểu chỉ áp dụng được cho ngành IT, thực ra AI vẫn có thể áp dụng được cho các ngành khác, trong đó có xây dựng. AI trong xây dựng giúp tối ưu hóa các hoạt động QLDA: quản lý nguồn lực, chất lượng, tiến độ, rủi ro, tối ưu trong thiết kế, v.v…, nhúng các phần mềm hỗ trợ QLDA, thiết kế công trình xây dựng xanh và bền vững.

PGS.TS Phạm Anh Đức và các cộng sự đã có nhiều dự án áp dụng AI thành công (dự báo module đàn hồi của đất nền, dự báo xói của mố trụ cầu, dự báo đánh giá ổn định mái dốc, sức kháng cắt của dầm, dự báo hiệu suất vận hành của hệ thống, tiêu thụ năng lượng trong tòa nhà, tối ưu chi phí, v.v…).

PGS.TS.Phạm Anh Đức, Trưởng Khoa Quản lý dự án- Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng

Phần hỏi đáp đã diễn ra sôi nổi, do đây là những đề tài mang tính thời sự và thiết thực, sát sườn với nhu cầu của những người làm công tác quản lý dự án tại Việt Nam. Các câu hỏi xoay quanh các đề xuất để giản tiện hồ sơ chứng minh năng lực của cá nhân người QLDA, về tính pháp lý và học thuật của chứng chỉ PMP tại Việt Nam, về giá trị lợi ích của việc đạt được chứng chỉ PMP, điều kiện cần và đủ để học, nghiên cứu và áp dụng BIM, AI trong lĩnh vực xây dựng, thời gian người sinh viên mới ra trường cần phấn đấu để đạt được vị trí Giám đốc dự án, v.v…

Phát biểu tổng kết, các đại biểu đều bày tỏ mong muốn có thêm các buổi tọa đàm / hội thảo tương tự để các bên liên quan cùng đồng hành mang đến các giá trị cho công đồng quản lý dự án tại Việt Nam, cũng như các sinh viên ngành QLDA.

Ông Võ Thanh Hải, đại diện PMI Vietnam Chapter trả lời câu hỏi về chứng chỉ PMP®
Phần hỏi đáp của buổi tọa đàm
Các diễn giả nhận hoa từ Ban tổ chức sau buổi tọa đàm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm


Trả lời